Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Con tự ý đổi bằng khoán, mẹ có đòi lại được nhà?


Hỏi: Bà nội tôi nay đã hơn 90 tuổi, nhà và đất ruộng là của bà. Năm 1998, bà gần 80 tuổi đã yếu nên chú Út tôi tự ý đi đổi bằng khoán qua cho chú Út đứng tên.

Nay vợ chồng chú Út làm ăn thua lỗ bị kiện, Nhà nước đã cưỡng chế lấy hết tài sản này để thi hành án. Vậy bà nội tôi có thể lấy lại phần nào của tài sản này không vì đây vốn là tài sản của bà, hơn nữa bà đã già yếu mà lấy mất nhà thì bà không biết sống ở đâu.

Nguyễn Hoàng Phương, Đồng Tháp

Trả lời:


Nếu bà nội của bạn đã có “bằng khoán điền thổ” được cơ quan thuộc chế độ cũ cấp và chú Út bạn tự ý sang tên cho chú ấy thì bà nội của bạn có thể khởi kiện để đòi lại phần tài sản của bà tại TAND dân có thẩm quyền. Khi toà án thụ lý vụ án để giải quyết thì cơ quan thi hành án sẽ hoãn thi hành án theo quy định tại điều 48 luật Thi hành án. Như vậy, bà của bạn có thể sẽ giữ lại được một phần tài sản của mình nếu bà có chứng cứ chứng minh cho việc bà đã được cấp bằng khoán và chú Út của bạn tự ý sang tên không có sự chấp thuận của bà.

Xin lưu ý, trước khi khởi kiện vụ án này tại TAND có thẩm quyền, bà của bạn phải gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai với chú Út lên UBND cấp xã nơi có đất để được tổ chức hoà giải. Kết quả hoà giải, nếu không thành là cơ sở để toà án thụ lý giải quyết vụ án của bạn. Nếu bà của bạn đã yếu không có khả năng tham gia thực hiện các thủ tục pháp lý thì có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện bằng văn bản có xác nhận của phòng công chứng.
THEO NHÀ ĐẤT BÌNH DƯƠNG

Trường hợp nào được xem là lấn đất và chiếm đất?


Hỏi: Gia đình tôi ở Bắc Giang, nhà nằm trong xóm, cạnh con mương làng. Từ đất sổ đỏ nhà tôi mở rộng ra phần lòng mương khoảng 2m chiều hẹp, mở rộng chiều phía bắc 6,70 m.

Năm 2003, gia đình tôi xây tường phía bắc từ phần đất sổ đỏ ra đến con mương dài 6,70m nhưng không thấy xã có ý kiến.

Đến năm 2013 gia đình tôi tiếp tục xây phần móng công trình phụ và bờ tường bao đất với chiều dài 15,30m nằm trong phần đất đã lấn chiếm. Phó chủ tịch xã, chủ tịch xã đã yêu cầu gia đình nộp phạt 1,5 triệu đồng và phải tự tháo dỡ.

Xin hỏi, phần đất của gia đình tôi có quy hoạch vào diện 191 hay không? Xin nói thêm phần đất lấn chiếm không ảnh hưởng tới đường đi, không ảnh hưởng tới dòng chảy, không ảnh hưởng tới lưới điện và không thuộc diện tranh chấp.

Do Hong Quan (dohongquan_hvtc@... )

Trả lời



1. Diện 191?

Về diện 191 mà bạn nêu trong thư, tôi có thể hiểu là bạn đang đề cập quy định tại Quyết định số 191 ngày 27/6/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với một số trường hợp vướng mắc, tồn tại trước ngày 1/1/2012 cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Trường hợp bạn không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản này.

2. Lấn, chiếm đất

Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 105 ngày 11/11/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai:

- Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất,

- Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc chủ sử dụng đất cho phép sử dụng hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước tạm giao hoặc mượn đất nhưng hết thời hạn tạm giao, mượn đất mà không trả lại đất.

Do vậy, hành vi sử dụng đất, xây dựng trên đất do lấn, chiếm như trường hợp bạn nêu là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Theo đó, hành vi lấn, chiếm đất là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, ngoài việc bị xử phạt theo quy định, còn bị buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Trân trọng.

Luật sư Đoàn Thị Ngọc Linh (Trung tâm tư vấn pháp luật số 1, Tp.HCM)
( Theo TTO)