Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ VẤN ĐỀ PHONG THỦY VÀ TƯỚNG MẠNG.


Các nguyên lý xem tướng, xem sao, địa lý phong thủy có từ rất sớm. Theo truyền thuyết của các nhà chiêm tinh học thì nguyên lý đó có từ thời thái cổ, đồng thời với sự hình thành của trời đất, vũ trụ. Quan điểm của Phật giáo là không khẳng định, không phủ định thuật xem số mạng và phong thủy. Những thuật ấy cũng có một số đạo lý nhưng không phải là đạo lý tuyệt đối, có thể tin nhưng không mê tín, cũng có thể không tin, mà không tin cũng không gây ra tai nạn lớn gì.
Đức Phật Thích Ca cấm các đệ tử không được làm các thuật xem sao, xem địa lý, bói toán, nhưng cũng không phản đối sự tồn tại của các môn thuật đó.
Thuật chiêm tinh nói về các mối liên hệ giữa sự vận hành của các thiên thể và vị trí trái đất chúng ta. Do có mối quan hệ đó nên có sự biến đổi về khí hậu và thời tiết, phối hợp vị trí địa lý hoàn cảnh cư trú của nhân vật, với ngày tháng năm sinh, rồi cộng trừ chia mà thành nguyên tắc mang lý tám chữ của thời điểm sinh. Tỉ dụ sinh năm ngưu vào mùa đông ở Phương Bắc thì vận mệnh sẽ không tốt, vì ngưu sinh vào mùa đông mà lại ở phương Bắc lấy cỏ đâu mà ăn ? Nếu sinh năm ngưu ở vào tiết xuân ở phương Nam, lại gần núi, gần sông thì chắc chắn là vận mệnh tốt.
Thế nhưng theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề họa, phú, may mắn hay bất hạnh đều do nghiệp nhân thiện ác tạo ra từ đời sống trước rồi đời này chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay chây lười trong đời sống hiện tại mà thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng của đời này. Do nghiệp nhân khác nhau tạo nên trong đời trước mà tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này. Cái gọi là hoàn cảnh bao quát cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh nuôi dưỡng và giáo dục anh em họ hàng, thầy dạy, bạn bè và đồng nghiệp, tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nghiệp nhân tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại nhưng nếu có sự tu dưỡng về mặt nội tâm, chú ý luyện tập thân thể tốt, trau dồi thêm ý thức mở mang trí tuệ thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt. Cho nên, xem tướng chỉ thuần túy dựa vào 8 chữ sinh ra để phán đoán vận mạng một con người, là không có gì chắc chắn cả, nhất là đối với người có dũng khí, có nỗ lực.
Mạng lý và tướng lý nên tách đôi ra. Mạng lý chỉ có ý nghĩa đối với nghiệp nhân đời trước (tám chữ lúc sinh ra). Còn tướng lý có giá trị từ sau khi sinh ra, tiếp thu phần tướng di truyền của cha mẹ, bao gồm tướng mặt, tướng xương cốt, tướng của giọng nói, tướng tay v.v… Mặt khác do sự rèn luyện hoặc buông thả do tình trạng sức khỏe kể cả tâm lý có bình thường ổn định hay không khiến cho thần tướng lúc sinh ra cùng với quá trình cuộc đời có sự thay đổi. Đó mới là sự tổng hòa của tướng lý. Vì vậy mạng lý không thể chuyển được, còn tướng lý có thể chuyển biến theo tùy thời, tùy tâm của mình. Do đó tướng không có định mệnh, tất nhiên là có thể tin và có thể không tin.
Vận mệnh do chính ta tự quyết định lấy

Còn địa lý phong thủy là dựa vào ảnh hưởng của vị trí các thiên thể và vị trí địa lý mà quyết định ảnh hưởng tốt hay xấu, lợi hay hại đối với con người. Đó là thuộc về tự nhiên và cũng có ý nghĩa thường thức. Thuận với tự nhiên là được thiên thời là có lợi, trái với tự nhiên là bất lợi. Đó là khoa học tự nhiên, là môn học mà triết gia gọi là hình nhi hạ.
Hiện nay, người ta lại dùng các căn cứ khoa học từ trường, từ lực để giải thích các nguyên lý về địa lý và phong thủy. Điểm tập trung của từ lực, phương vị thuận của từ trường, có lợi đối với thân thể con người, cũng như đối với trạng thái tinh thần của con người. Ngược lại là không lợi.
Trong phong thủy, thì phong là không khí, là hoạt lực đến không trung còn thủy là nước là hoạt lực từ dưới đất, cần thiết cho sự sinh trưởng của vạn vật. Có sự phối hợp của phong thủy, thêm vào là vị trí địa lý thuận lợi để hấp thụ đầy đủ ánh sáng mặt trời, phải chăng đó chính là ba yếu tố của sinh mạng là ánh sáng mặt trời, không khí và nước ?
Ông Lý Dị Nồng, nhà địa lý học trứ danh đã nói phải có sự phối hợp của 3 điều kiện là :
  1. Tích lũy phúc đức
  1. Tám chữ lúc sinh ra
  1. Địa lý phong thủy thì mới được phú quý và thọ mạng lâu dài. Cái gọi là 8 chữ lúc sinh ra là mạng lý có từ đời trước. Tích lũy phúc đức là sự tu dưỡng, cố gắng trong đời này, phong thủy địa lý chỉ là một trong ba yếu tố. Nếu vận mạng xấu mà tâm lại ác hành vi không chính đáng, phong thủy tốt thì dù cho tìm được vị trí địa lý, vị trí này cũng sẽ bị nạn lụt hay nạn động đất phá hoại. Ông Nông lại nói: "Ba phần phong thủy, bảy phần cố gắng". Ý muốn nói phong thủy phải cộng thêm sự cố gắng của con người để cải tạo hoàn cảnh. Theo quan điểm Phật giáo, địa lý, phong thủy tuy có đạo lý nhưng không phải là đạo lý quyết định.

Trên thực tế, rất ít nhà địa lý tìm ra cho mình một địa điểm phong thủy tốt, cũng có rất ít nhà chiêm ngưỡng dùng trí thức và kinh nghiệm của mình để thay đổi số mệnh của mình. Vì vậy, các Phật tử nên lấy Phật pháp giáo hóa chúng sinh làm căn bản, nếu lấy việc bói sao, xem tướng, xem phong thủy làm sự nghiệp của mình thì sẽ lãng phí thời gian, có hại cho việc tu học chính đáng.
                        Phạm Văn Tổng.

Bạn có cần phải xem tướng số và phong thủy hay không thì hãy đọc bài sau nhé.


Hiện tại trên thế giới mê tín nhất là người làm ăn buôn bán, còn có một số nhân viên công chức thường hay đi xem đoán mạng, xem tướng, xem phong thuỷ... đây đích thực là mê tín.
Vận mệnh (tử vi) của chúng ta có thể thay đổi hay không? Khẳng định là có thể thay đổi. Nhưng các vị phải nên biết, đoán mạng rất khó đổi, xem tướng, xem phong thuỷ đều không thể thay đổi, Phật pháp nói ra đạo lý này cho chúng ta. Phong thuỷ là gì vậy? Là hoàn cảnh cư trụ. Người Trung Quốc gọi là phong thuỷ, người nước ngoài gọi là từ trường, từ trường đích thực chính là phong thuỷ mà người Trung Quốc thường gọi, người Trung Quốc cũng gọi là vận khí, đều là một ý nghĩa. Chúng ta hãy dựa vào thuyết Nhân Quả. Phật nói với chúng ta “y báo tuỳ theo chánh báo chuyển”, chúng ta phải hiểu đại đạo lý này. Y báo là gì vậy? Thân thể của chúng ta là y báo, tướng mạo cũng là y báo, hoàn cảnh cư trụ vẫn là y báo, chúng ta nương vào đây để sinh tồn. Chánh báo là gì vậy? Chánh báo là ý niệm của chúng ta, là tâm của chúng ta. Tâm của bạn tốt thì tướng mạo của bạn liền tốt, thân thể cũng tốt, hoàn cảnh cư trụ cũng tốt, mọi thứ tự nhiên liền chuyển đổi. Tâm không tốt, dù phong thuỷ có tốt đi nữa thì khi bạn vừa đến nơi đó, phong thuỷ liền biến xấu đi, phong thuỷ sẽ thay đổi, không phải không đổi. Cho nên nói “người phước ở đất phước, đất phước người phước ở”, bạn chính mình phải tu phước, hướng thiện. Bạn thấy trên kinh điển thường hay khuyên bảo chúng ta tích công bồi đức, làm nhiều việc tốt thì tướng mạo và số mệnh của bạn tự nhiên liền được chuyển, số mệnh bạn tốt lên và tâm địa của bạn rất thanh tịnh, tâm địa rất từ bi. Tâm không tốt, ngày ngày nghĩ đến việc xấu, thì mọi người vừa nhìn thấy bạn sẽ nghĩ rằng con người này tướng mạo rất đáng sợ và số phận của bạn cũng thay đổi xấu đi. Đây chẳng phải là tuỳ theo tâm chuyển hay sao? Rất là hiện thực, bạn còn phải xem tướng làm gì nữa?
Tâm còn chưa thiện phong thủy vô ích.
Phong Thủy xấu không thể hại được người tốt
Trong một cuốn sách phong thủy do ông Man-Ho Kwok viết, ông có kể vài câu chuyện như sau :
Câu chuyện 1
"Vài thế kỷ trước ở bên Tàu, có một ông thầy Địa lý rất nổi tiếng, nhưng tính tình ông này thì rất hẹp hòi và nóng tính. Vào một ngày của mùa hè ông ta được lệnh của Vua đi tìm long mạch và Huyệt kết cho nhà vua dùng làm nơi xây mồ mả tổ tiên.
Thời kỳ đó phương tiện giao thông khó khăn nên phần đông người ta đi ngựa và đi bộ mà thôi. Sau nhiều ngày băng rừng vượt núi, ông thầy đã tìm được huyệt quý. Ông ta vui mừng trở về phúc trình với Hoàng đế. Trên đường về , ông ta đã cạn hết lương thực và nước uống, giữa vùng rừng núi hoang vu, ông ta không biết tìm đâu ra được mạch suối ngầm để lấy nước uống giữa mùa hè nóng bỏng.
Trong cơn tuyệt vọng, ông ta đến được một khu rẫy. Chủ nhân là một người đàn bà trung niên và 3 người con trai đang cuốc đất. Ông ta mừng quá chạy ngay vào xin nước uống. Người đàn bà vui vẻ đi lấy cho ông ta một bát nước đầy. nhưng trước khi đưa bát nước cho ông ta, bà hốt một nắm lá cây bỏ vào bát. Ông thầy rất giận nhưng vì đang khát, ông ta cũng ráng dằn xuống mà uống hết bát nước cho qua đi cơn khát. trong bụng ông ta đã có ý định trả thù người đàn bà vô lễ kia. Sau khi hỏi thăm ông ta biết được chồng của người đàn bà nghèo khổ kia đã chết vài năm trước, để lại cho bà một mảnh đất hoang và 3 đứa con nhỏ. Ông ta tự giới thiệu tên và cho biết ông ta là một nhà phong thuỷ nổi tiếng làm việc cho triều đình. Ông ta bảo muốn coi giúp về phong thuỷ của căn nhà của người đàn bà tội nghiệp kia.
Sau khi quan sát căn nhà và cấu trúc địa lý xung quanh , ông ta bảo căn nhà của bà không tốt, nếu sống ở đó thì suốt đời nghèo khổ vất vả. Rồi thì ông ta bảo cho người đàn bà biết rằng, ông ta biết được có một căn nhà bỏ hoang lâu đời với đất đai rộng rãi ở bên kia núi, ông ta khuyên người đàn bà nên dọn về đó ở sẽ tốt hơn. Ông ta nói xong thì vội vã bỏ đi, trong lòng vui sướng vì đã trả được thù, khu đất và căn nhà hoang không chủ mà ông ta chỉ cho người đàn bà là một khu đất chết phạm vào Ngũ Quỷ xung sát, là một khu đất cực xấu, ai sống ở đó đều chết yểu.
Sau một thời gian khá lâu, ông ta có dịp đi ngang qua vùng đất cũ, ông gặp lại người đàn bà và ông ta hết sức kinh ngạc vì người đàn bà nghèo khổ ngày xưa bây giờ là một người đàn bà giàu có, nhà cao cửa rộng. Người đàn bà đón tiếp ông rất ân cần vì biết ơn ông đã chỉ cho bà một khu đất tốt, từ khi dọn vào, bà luôn luôn trúng mùa, tiền bạc dư giả, con cái học hành tới nơi tới chốn, 2 trong 3 đứa con trai đang làm quan, đứa con thứ ba thì thông minh xuất chúng, đang dạy học và rất có tên tuổi. Ông ta kín đáo quan sát căn nhà, và vùng đất xung quanh, tuy có sang trọng hơn nhưng trên căn bản vẫn là vùng đất phạm Ngũ Quỹ xung sát (Five Ghosts Dead Place )
Lòng càng hoài nghi dữ dội, cuối cùng ông ta thú thiệt về việc trả thù của ông ta vì ngày xưa người đàn bà đã vô lễ bỏ lá rác vào bát nước trước khi trao cho ông uống. Người đàn bà giải thích rằng, sỡ dĩ bà ta làm như vậy là vì lúc đó trời đang nóng bức, ông ta lại đang khát sắp chết, nếu trao cho ông ta bát nước bình thường thì ông ta sẽ uống cạn ngay, sẽ khiến ông ta bị sốc mà bị nguy hiểm đến tính mạng , cho nên bà bỏ lá cây khô vào là để ông ta từ từ uống vì phải vừa uống vừa gạt bỏ lá qua một bên.
Đến lúc đó ông thầy mới chợt hiểu, vì những gì bà làm để cứu mạng của ông ta đã tạo nên công đức, đủ để hoá giải đi cái ảnh hưởng xấu của vùng đất chết. Cũng như chuyện anh học trò nghèo có tướng phải chết nhưng lòng hiếu thuận và can đảm vì người mà quên mình của anh đã thay đổi đi cái số mạng yểu tử bần hàn mà sau này đỗ đầu bảng vàng, trạng nguyên vinh quy bái tổ.
Có thể nói là Vận mạng của mỗi người không cố định mà có thể thay đổi tùy theo hành động. Sống thiện, tu tâm tích đức sẽ giúp thay đổi số mạng. Chúng ta tìm hiểu thêm câu chuyện dưới đây
Câu chuyện 2
 Đời vua Hán cảnh Đế có người bán dầu tên Bùi Độ nghèo khổ lang thang, được thầy tướng số cho biết sẽ chết đói vì coi tướng mặt có hai đường chỉ chạy xéo từ cằm lên mép miệng.
Ngày kia Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to. Thiếu nữ đang tuyệt vọng muốn quyên sinh. Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế.
Một lần gặp lại, nhà tướng số kia kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ! .
Đúng vậy, sau này thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, đem Bùi Độ về dạy học và giao ước vợ chồng rồi mới thưa với phụ thân. Cha nàng gửi gắm Bùi Độ sang một người bạn khác để nhờ tiến cử. Thời gian xa cách Ngọc Hà, Bùi Độ đã lạc lòng với những hình bóng giai nhân khác.
Trên bước đường tiến quan, Bùi Độ ghé vào thăm nhà tướng số cũ để tạ ơn, nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Bùi Độ tức giận bỏ đi.
Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, chỉ lục lạo, cưỡng bức các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá!.
Cái phước của Bùi Độ xuất hiện do tâm niệm quên mình cứu giúp người. Phước đó quá lớn đến nỗi chuyển hẳn tướng mạo và số mệnh để cho Bùi Độ trở thành quan chức vinh hiển.
Nhưng rồi, tư cách tầm thường tham dục đã phá vỡ phước cũ để cho nghiệp chết đói đủ cơ duyên xuất hiện trở lại.
Như vậy, tướng mạo tùy thuộc vào nghiệp chứ không cố định. Nếu chúng ta thường xuyên biết cảm thông chia sẻ làm nhiều điều thiện cứu giúp mọi người, ắt hẳn tướng mạo và số mệnh chúng ta sẽ thay đổi một cách tốt đẹp lắm.
Lời bàn: Ngược lại, dù có chọn các thầy cao thủ, kiếm phong thủy cho nhà cửa thật tốt chăng nữa mà tâm xấu ác thì Phong thủy cũng chả giúp được gì. Tai họa vẫn trên trời rơi xuống.
Khổng tử có câu rất hay:
Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích. 
Thời vận không thông, mưu cầu vô ích.
Việc tốt hay xấu hay thời vận đến với ta không thể do phong thủy quyết định mà chính tư tưởng và hành vi thiện ác của mình mới là nguyên nhân quan trọng. Thế mới có câu "Đức năng thắng số"
"Việc hung ác người ta không tránh
Thì đời không có cảnh an vui
Nhiều kẻ ác nhiều cơ đói khổ
Nhiều người hiền nhiều chỗ ấm no
Ác không thể được phước cho
Chỉ hiền mới có thơm tho mang vào"
"Tướng Do Tâm Sanh
Cảnh Tùy Tâm Chuyển".
trích từ bộ sách:
NHỮNG CHUYỆN VỀ LUÂN HỒI - NHÂN QUẢ - NGHIỆP BÁO
                                                                        Phạm Văn Tổng copy nguồn Vforum.vn

Bạn có cần phải quá tin vào phong thủy?

Người Việt Nam mình từ xưa đến nay làm nhà rất coi trọng chuyện phong thủy. Làm được ngôi nhà là sự kiện lớn trong đời người, nên nếu có điều kiện thì trước khi làm nhà, chủ nhà thường mời thầy về xem phương hướng, xem tuổi gia chủ làm nhà có hợp hay không.
Trước đây thầy phong thủy thường được gọi là thầy địa lý, thường được mọi người mời về để xem phương hướng, đất đai, phương vị, tuổi tác, và cả ngày giờ xuất hành…
Sau này xã hội phát triển, cuộc sống người dân được cải thiện, có của ăn của để, việc coi địa lý khi làm nhà được quan tâm nhiều hơn, và trở thành trào lưu, phổ biến hơn và ăn sâu vào tâm lí của nhiều người từ thành thị cho đến nông thôn mỗi khi cần làm việc gì quan trọng.


   Rất nhiều người tin vào phong thủy nhưng       không thực sự hiểu bản chất phong thủy 

Ngày nay, mối quan tâm tới phong thuỷ và yêu cầu chặt chẽ về phong thuỷ đã phổ biến hơn rất nhiều trong đại chúng. Đa số những người làm nhà chưa hiểu bản chất của phong thuỷ là gì, nhưng cũng cứ phải tới thầy để thầy coi, để nghe thầy phán; và mang tâm thế rất thụ động, nhất nhất nghe theo lời thầy . Chính vì thế, khi đã theo thầy, nhiều nhà đã phải đảo lộn kết cấu, kiến trúc trong ngôi nhà, đôi khi còn gây xích mích, mất hòa khí trong gia đình vì bất đồng quan điểm.

     Phong thủy không dẫn đến mọi thành             công mà cần tích hợp từ nhiều góc độ

Đọc bài “Tin thầy phong thủy , đặt cầu thang giữa nhà” của bạn Hải Thanh, mình thấy ông thầy phong thủy phán như vậy thật vô lí. Bởi khi làm nhà, vì địa thế của mảnh đất mà phải xoay xở, lèo lái sao cho hợp lí, thuận tiện cho sinh hoạt mới là phong thuỷ bậc nhất. Ngược lại, vì phải xoay xở, lèo lái sao cho hợp phong thủy để rồi mọi sắp đặt bị tréo ngoe và tối ngày cái chữ”phong thuỷ” cứ hiển hiện trong đầu, vậy mới là phạm phong thuỷ.
Theo một chuyên gia trang trí nội thất, phong thủy chỉ nên dừng lại ở mức độ giúp người ta bố trí, bài trí căn nhà của mình sao cho hợp lý, đẹp mắt, tiện sử dụng, ánh sáng và không khí lưu không phù hợp. Chủ nhân từ đó sẽ cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh trong căn nhà của mình.
Tất nhiên, phong thuỷ là 1 bộ môn khoa học hẳn hoi đang được quan tâm nghiên cứu khắp nơi, chúng ta không được xem nhẹ, nhưng phải hiểu phong thuỷ là khoa học là để đưa cuộc sống chúng ta đến tốt hơn, đừng để thái quá, suy tính thiếu cân đối mà trở nên đi ngược với mục đích tốt.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe và thành công!
                      Phạm Văn Tổng